*Trong phần dưới đây, từ “người phụ trách” dùng để chỉ người phụ trách việc dạy tiếng Nhật.
2.Về tiếng Nhật ở khóa học mở rộng
Câu hỏi 1: Tôi hoàn toàn không biết tiếng mẹ đẻ của thực tập sinh. Như vậy, có thể đảm nhận việc dạy tiếng Nhật được không?
Trả lời: Hoàn toàn được. Vì không dựa vào tiếng mẹ đẻ nên thực tập sinh sẽ cố gắng nghe và nói bằng. Như vậy đây lại là môi trường tốt cho việc học tiếng Nhật. Nhưng trong thực tế có nhiều người không nghe quen âm thanh của tiếng Nhật nên nếu nói như cách nói thông thường của người Nhật thì có thể học viên sẽ không hiểu được từ đó dẫn tới lo lắng rằng “ mình không biết tiếng Nhật, phải làm sao đây!”. Khi đó, người phụ trách cần sử dụng những từ ngữ đơn giản, nói chậm rãi, rõ ràng và ngắn gọn. Chắc chắn học viên sẽ hiểu.
Đối với những từ vựng quan trọng người phụ trách nên viết lên bảng hoặc viết ra giấy bằng chữ Hiragana (hoặc Katakana). Nếu như vẫn không giải thích hết được tại lớp thì yêu cầu học viên về nhà tra từ điển sau.
Hơn nữa, nên sử dụng càng nhiều càng tốt các loại giáo cụ như tranh, vật minh họa hoặc cử chỉ minh họa để học viên có thể nhìn thấy và hiểu ngay được.
Câu hỏi 2: Những học viên trong đợt 1 rất tích cực giao tiếp bằng tiếng Nhật , nhưng từ đợt 2 trở đi thì trình độ tiếng Nhật của học viên lại không có cải tiến chút nào. Vì vậy, nên làm như thế nào?
Trả lời: Các quý vị người Nhật tại các doanh nghiệp hãy xem lại liệu có phải mình chỉ toàn nói chuyện với những thực tập sinh giỏi tiếng Nhật không? Khi không có thời gian hoặc khi muốn truyền đạt những việc phức tạp thì không còn cách nào khác, nhưng khi rảnh hơn một chút thì hãy chủ động giải thích hoặc truyền đạt trực tiếp cho những thực tập sinh đợt 2, đợt 3 sau đó.
Hãy nhớ lại những việc khi thực tập sinh đợt 1 mới đến Nhật, quý vị đã giao tiếp với họ như thế nào? Có thể quý vị đã cố gắng nói chuyện chậm rãi, viết ra giấy… Tuy hơi mất thời gian, nhưng quý vị hãy lặp lại những điều tương tự đối với thực tập sinh khóa sau. Chỉ nói chuyện phiếm một chút cũng có thể làm cho thực tập sinh giỏi tiếng Nhật hơn. Các vị nên thường xuyên nói chuyện với thực tập sinh, không chỉ vào lúc đang làm việc mà cả lúc nghỉ giải lao nữa.
Mặt khác, các thực tập sinh có thể cũng có xu hướng ỷ lại vào những bậc đàn anh đi trước. Khi được hỏi điều gì đó thì những bậc đàn anh ở bên cạnh đã trả lời thay hết rồi. Vì vậy, khi quý vị nói chuyện với ai thì có lẽ nên nói đích danh người đó . Chẳng hạn như, nếu nói đích danh “Anh/Chị …, hôm qua có đi xem lễ hội không?” thì người đó sẽ phải trả lời và cứ như vậy thì sẽ có hội thoại giao tiếp. Lúc đầu thực tập sinh cũng có thể bị túng túng nhưng nếu họ thấy được niềm vui khi hiểu được tiếng Nhật thì dần dần họ sẽ trở nên tích cực nói tiếng Nhật hơn. Nếu không nói chuyện được thì sẽ không thể giao tiếp được. Vì vậy, hãy cố gắng tạo thật nhiều cơ hội cho thực tập sinh nói chuyện.
Câu hỏi 3: Thực tập sinh mãi không nhớ được những từ tiếng Nhật chuyên môn hoặc những từ thường sử dụng trong công việc nên không hiểu được nội dung công việc. Vì vậy, nên làm thế nào thì thực tập sinh nhớ được. Hãy nêu cách soạn giáo trình nếu có.
Trả lời: Một trong những nguyên nhân khiến thực tập sinh không nhớ được là không hiểu từ (hoặc âm) mà người hướng dẫn thực tập muốn nói là cái gì. Dù có học thuộc lòng danh sách các từ vựng, nhưng khi nghe từ đó ở tại nơi làm việc cũng không hiểu được từ đó chỉ bộ phận gì. Vì vậy, cần phải có sự kết hợp giữa từ vựng với hình ảnh hoặc thao tác. Phương pháp kết hợp đó cụ thể như sau:
- [Ví dụ 1]
Cho thực tập sinh xem máy móc, dụng cụ sử dụng và dạy cách nói từng từ vựng cụ thể một. Cho thực tập sinh lặp lại cách nói từ vựng đó.
Tiếp theo, sắp xếp một vài hiện vật lên trên giá, lặp đi lặp lại vài lần tên các đồ vật, sau đó nói “hãy lấy cái dũa”, “hãy lấy thiết bị tra dầu ” để thực tập sinh lấy các đồ vật đó.
Mặt khác, khi ra lệnh “cầm thiết bị tra dầu tới đây” thì có thể yêu cầu thực tập sinh lặp lại nói là “thiết bị tra dầu phải không ạ ?”.
Nếu cứ lặp lại những việc như thế này hàng ngày thì dần dần thực tập sinh sẽ nhớ được các từ vựng. Nhưng điều quan trọng là hàng ngày phải lặp đi lặp lại nhiều lần vì nếu chỉ thực hiện một lần thì thực tập sinh sẽ không nhớ được.
- [Ví dụ 2]
Lập danh mục các từ vựng và đưa cho thực tập sinh
Tiếng Nhật Tiếng mẹ đẻ của thực tập sinh やすり あぶらさし Ghi những từ vựng cần thiết bằng tiếng Nhật vào cột bên trái. Bên phải thì bỏ trống. Vừa cho thực tập sinh xem đồ vật thực tế hoặc vừa tiến hành thao tác thực tế vừa lặp đi lặp lại từ vựng. Yêu cầu thực tập sinh cùng nói những từ vựng đó. Sau đó, bản thân thực tập sinh sẽ ghi vào cột bên phải những từ đã thuộc. Có thể ghi bằng tiếng mẹ đẻ hoặc bằng hình ảnh minh họa đều được. Vì chính bản thân thực tập sinh viết vào nên họ sẽ dễ nhớ và thuộc hơn. Nếu có điều kiện thì hàng ngày nên yêu cầu thực tập sinh ôn lại trước khi làm việc.
- [Ví dụ 3]
Chuẩn bị sẵn sổ tay bỏ túi. Thực tập sinh sẽ luôn mang theo mình sổ tay bỏ túi này và khi có từ vựng quan trọng thì người hướng dẫn thực tập sẽ viết ngay vào sổ tại nơi làm việc. Khi đó, yêu cầu thực tập sinh cùng phát âm vài lần. Để thực tập sinh có thể nhớ được thì có lẽ nên để thực tập sinh tự viết bằng tiếng mẹ đẻ hoặc minh họa bằng hình vẽ bên cạnh từ vựng đó.
Câu hỏi 4: Khi không hiểu tiếng Nhật tôi nói, thực tập sinh nói “Tôi không hiểu, làm ơn nói lại một lần nữa”. Nhưng dù tôi nói đi nói lại vài lần mà thực tập sinh vẫn không hiểu. Vì vậy, nên làm như thế nào?
Trả lời: Khi lặp lại, liệu bạn có phát âm với cùng một tốc độ và sử dụng cùng một từ vựng như lần giải thích đầu tiên không? Vì thực tập sinh không hiểu tiếng Nhật nên yêu cầu lặp lại, vì vậy bạn nên lặp lại theo cách như sau:
- (1)Thử nói chậm hơn và với câu ngắn hơn lần thứ nhất.
- (2)Chú ý xem bạn có sử dụng từ khó hiểu đối với thực tập sinh hay không hoặc nếu có thể thay đổi được thì hãy thay đổi cách nói bằng những từ đơn giản và dễ hiểu hơn.
- (3)Nếu làm như trên mà vẫn không hiểu thì cần phải có thêm động tác mô tả. Vẽ tranh, hình minh họa hoặc viết chữ.
Khi công việc bận rộn thì rất khó thực hiện được những việc trên nhưng nếu bỏ chút thời gian khi mới tiếp nhận thực tập sinh thì sau này sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Câu hỏi 5: Hàng ngày tôi sử dụng 1 tờ trong vở luyện tập quốc ngữ của học sinh lớp một, lớp hai trường tiểu học để làm tài liệu tự học tiếng Nhật cho thực tập sinh. Lúc đầu thì thực tập sinh rất nhiệt tình làm bài nhưng gần đây thì họ không tích cực lắm. Có tài liệu học nào khác nữa không?
Trả lời: Các bài luyện tập trong sách quốc ngữ thì có thể sẽ làm tăng khả năng đọc hiểu, nhưng lại không có tác dụng làm nâng cao khả năng nói và nghe hiểu là những kỹ năng mà thực tập sinh cần nhất. Vì vậy, điều quan trọng là phải sử dụng tài liệu học để tăng khả năng nói và nghe hiểu của thực tập sinh. Hơn nữa, câu văn trong sách học quốc ngữ của học sinh tiểu học lại rất khó đối với người nước ngoài và về mặt nội dung thì cũng có ít từ có ích cho cuộc sống hàng ngày của thực tập sinh. Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân mà thực tập sinh không thích thú làm bài lắm. Vì vậy nên sử dụng tài liệu học để khiến cho thực tập sinh có thể thấy hứng thú mỗi khi làm bài tập.
Mặt khác, có thể sử dụng những vật dụng hàng ngày làm tài liệu dạy học như giới thiệu sau đây. Về cách sử dụng thì chúng tôi chỉ đưa ra một số ví dụ nhất định.
[Ví dụ]
- Tờ tin “Bạn của thực tập sinh” (do JITCO phát hành http://www.jitco.or.jp/press/bokoku_kentomo.html)
Chọn những đề tài mà thực tập sinh có vẻ quan tâm từ những bài báo hoặc tin tức trong mục Tin trong nước , cho thực tập sinh xem những tin tức đó bằng tiếng mẹ đẻ rồi đặt câu hỏi và yêu cầu thực tập sinh giải thích bằng tiếng Nhật về nội dung đó. - Tờ rơi quảng cáo của siêu thị
Chuẩn bị sẵn tờ rơi quảng cáo của nhiều siêu thị và so sánh giá của hàng hóa cùng chủng loại. - Nhãn hàng hóa
Nếu là thực phẩm thì cùng thực tập sinh nói về thời hạn sử dụng và nơi sản xuất… - Sách giới thiệu du lịch
Chuẩn bị những tài liệu trong các sách giới thiệu về du lịch đến đất nước của thực tập sinh và yêu cầu thực tập sinh giải thích về những món ăn hoặc danh lam thắng cảnh có trong quyển giới thiệu du lịch đó.
Câu hỏi 6: Nhân viên của công ty bận công việc nên không thể giúp cho việc học tiếng Nhật của thực tập sinh được. Vì vậy, hãy cho biết những tài liệu có thể tự học được?
Trả lời: Đúng là nếu không thể trực tiếp giúp cho việc học tiếng Nhật của thực tập sinh được thì nếu có tài liệu tự học để họ tự học thì sẽ giúp đỡ cho họ nhiều hơn . Vì vậy, nên đặt những tài liệu sau ở phòng nghỉ giải lao
- Tờ tin “Bạn của thực tập sinh” (do JITCO phát hành http://www.jitco.or.jp/press/bokoku_kentomo.html)
Tất cả các chữ Hán đều có phiên âm cách đọc bằng chữ Hiragana hoặc Katakana, và có cả bản dịch tiếng Trung Quốc, tiếng Việt Nam, tiếng Indonesia, tiếng Thái, và tiếng Anh đi kèm, nên thực tập sinh có thể sử dụng làm tài liệu tự học được. Tuy nhiên nếu có chỗ thực tập sinh không hiểu thì hãy giải thích cho thực tập sinh. - Tài liệu học tiếng Nhật
Nếu có tài liệu có kèm theo giải thích bằng tiếng mẹ đẻ của thực tập sinh thì tốt hơn. Chỉ cần tìm trên mạng internet bằng từ khóa “học tiếng Nhật”… là sẽ có được rất nhiều thông tin về tài liệu học tiếng Nhật. - Đĩa CD bài hát và lời bài hát
- Tạp chí
Nên chọn những loại tạp chí có nhiều hình ảnh, tranh minh họa và hợp với ý thích của thực tập sinh .
Ngoài ra, còn có trang web có thể làm bài kiểm tra chữ Hán và các câu hỏi luyện thi kiểm tra năng lực tiếng Nhật trên máy tính. Nếu giới thiệu những trang web đó cho thực tập sinh có máy tính thì chắc họ sẽ rất vui.
Câu hỏi 7: Tôi đã yêu cầu thực tập sinh viết nhật ký hàng ngày, nhưng nội dung viết thì luôn lặp đi lặp lại. Vì vậy, có phương pháp nào tốt hơn không?
Trả lời: Đúng là nhiều khi thực tập sinh muốn viết nhật ký, nhưng không nghĩ ra được nội dung để viết. Bạn hãy thử làm theo cách như sau xem sao:
- (1) Trường hợp viết hàng ngày:
Cho thực tập sinh viết câu ngắn cũng được. Chẳng hạn như chỉ cần viết 3 dòng. Tuy nhiên với điều kiện là phải viết những việc khác với hôm trước. - (2) Trường hợp chỉ viết 1 lần 1 tuần:
Đưa ra hạn nộp là vào ngày sau ngày nghỉ. Không hạn chế về độ dài . Khi có nhiều điều muốn viết thì có lẽ học viên sẽ viết một bài dài. Mặt khác, khi không có nội dung gì để viết thì chỉ cần viết 3 dòng cũng được. - (3) Không hạn chế chỉ viết nhật ký bằng tiếng Nhật
Ví dụ thực tập sinh có thể viết nhật ký dưới dạng hình ảnh minh họa hoặc truyện tranh thì sẽ rất thú vị. - (4) Nhận xét nhật ký
Nếu người chỉ đạo viết thêm nhận xét đối với nhật ký mà thực tập sinh đã viết thì sẽ khiến họ hăng hái, muốn viết tiếp hơn. Bạn chỉ cần viết một dòng nhận xét ngắn thôi cũng được. Ngoài ra, khi trả nhật ký cho thực tập sinh, bạn có thể nói thêm về cảm tưởng của mình hoặc đặt câu hỏi “Em thấy như thế nào? Có hay không?” về những nội dung viết trong nhật ký. Tuy nhiên, nên tránh hỏi những câu hỏi mang tính chất truy hỏi.. - (5) Quyết định chủ đề
Chẳng hạn như nếu quyết định chủ đề là “Giới thiệu gia đình”, “Điều khác nhau giữa Nhật Bản và đất nước tôi” (món ăn, khí hậu, mua sắm…), “Lễ hội và các sự kiện ở địa phương”, “Chương trình vô tuyến xem hôm trước”, “Tin tức gần đây”… thì có lẽ thực tập sinh sẽ dễ viết hơn vì đã được cụ thể hóa.
Chủ đề thì có thể là bất cứ vấn đề gì chẳng hạn như những việc đã làm được gần đây trong công việc hoặc những câu chuyện đã trao đổi với người Nhật trong lúc nghỉ trưa…
Câu hỏi 8: Số thực tập sinh nhiều nên việc sửa lỗi trong nhật ký rất vất vả . Vì vậy, nên chỉnh sửa lỗi như thế nào? Nếu sửa lỗi liên quan tới trợ từ như “te, ni, wo, wa” thì rất khó giải thích khi thực tập sinh hỏi lý do.
Trả lời: Nếu nhiều thực tập sinh thì đúng thật là sẽ rất vất vả trong việc xem hết tất cả nhật ký. Trong lúc có nhiều công việc khác nữa mà lại thêm việc sửa lỗi nhật ký cho thực tập sinh thì đúng là như thêm gánh nặng.
Vậy thì, viết nhật ký để làm gì? Cũng có thể có nhiều lý do, nhưng bạn hãy thử nghĩ về cách sửa lỗi nhật ký để phù hợp với mục đích do mình đặt ra mà vẫn không mất nhiều thời gian .
- (1) Hỗ trợ học tiếng Nhật
So với nói, thì viết sẽ vất vả hơn vì phải quan tâm đến cách dùng trợ từ, cách sắp xếp từ vựng, cách kết nối câu…Rồi cũng phải cố gắng viết chữ Hán nữa. Bản thân thực tập sinh cũng hy vọng những câu tiếng Nhật mình viết sẽ được sửa. Trong trường hợp này, trước tiên hãy thỏa thuận trước với thực tập sinh về những vấn đề sau và yêu cầu thực tập sinh làm những việc có thể tự làm được.
- Nếu cách dùng trợ từ sai thì sẽ sửa nhưng sẽ không giải thích. Thực tập sinh buộc phải nhớ cách dùng như vậy.
Tuy nhiên, trong trường hợp “nghỉ ở công ty” và “nghỉ công ty” có ý nghĩa khác nhau. Trong trường hợp có khả năng có nhiều nghĩa như trường hợp này thì cần phải xác nhận với thực tập sinh về ý nghĩa trước rồi mới sửa lỗi. - Sẽ dùng bút đỏ khoanh tròn những chữ Hán viết sai và yêu cầu thực tập sinh về tra từ điển và tự sửa lại.
- Sẽ gạch chân những câu không hiểu nghĩa và yêu cầu thực tập sinh viết lại.
Nếu sau khi viết lại mà vẫn có vấn đề thì tự mình sửa thành câu có thể hiểu được và xác nhận lại với thực tập sinh xem sửa thế có được không.
- Nếu cách dùng trợ từ sai thì sẽ sửa nhưng sẽ không giải thích. Thực tập sinh buộc phải nhớ cách dùng như vậy.
- (2) Nhật ký là để giao tiếp với thực tập sinh
Việc gạch chân những đoạn văn không hiểu và yêu cầu thực tập sinh viết lại thì giống như đã nêu ở mục (1) , nhưng hãy viết thêm một nhận xét đơn giản, ví dụ một câu hỏi đơn giản như “như thế nào’, “tại sao”, “anh/chị nghĩ như thế nào”… Và hãy thử đặt câu hỏi tương tự bằng lời nói. Trong trường hợp này thì không nên chỉ ra nhiều lỗi ngữ pháp và từ vựng một lần mà nên sửa từng chút một. - (3) Trường hợp kiểm cả nhật ký thực tập hàng ngày
Trường hợp nội dung nhật ký là những điểm quan trọng như đã được chỉ thị làm gì, được nhắc nhở điều gì và đã làm cái gì như thế nào. Nên nếu người hướng dẫn thực tập sinh cũng xem qua báo cáo này thì rất tốt vì đây cũng là dịp tốt để xác nhận lại tình hình hướng dẫn thực tập nữa. Trong trường hợp này không nên sửa lỗi tiếng Nhật mà kiểm tra xem thực tập sinh có viết những điều đã được thực tập vào nhật ký hay hay không.
Trường hợp có nhiều nhật ký cần phải sửa lỗi thì có thể giảm số lần sửa bằng cách yêu cầu thực tập sinh nộp nhật ký tuần một lần hoặc hạn chế nội dung viết xuống 5 dòng…
Câu hỏi 9: Xin cho biết cách học chữ Hán để thực tập sinh ở nước không sử dụng chữ Hán có thể học một cách dễ dàng và thích thú?
Trả lời: Học tiếng Nhật mà không học chữ Hán thì không được, nhưng cứ lặp đi lặp lại việc đọc và viết để nhớ chữ Hán đối với thực tập sinh ở những nước không sử dụng chữ Hán thì điều này sẽ trở thành gánh nặng cho vịêc học tâp. Vì vậy, cần phải dạy để thực tập sinh thấy vui khi đọc được chữ Hán và thấy được sự thú vị của chữ Hán.
Đã có một người nước ngoài nói rằng “nhờ có học chữ Hán mà toàn bộ những chữ viết trên biển quảng cáo trên phố trước đây chẳng có ý nghĩa gì giờ trở nên có ý nghĩa và đã làm cho thế giới của tôi ngày càng rộng mở nên rất vui và tôi bây giờ thấy rất vui khi học chữ Hán”.
Dưới đây là một vài ví dụ về cách học chữ Hán mà nhân viên tại các công ty có thể giúp cho thực tập sinh có thể học được dễ dàng:
- (1)Làm các thẻ chữ Hán
Lập danh sách chữ Hán mà thực tập sinh thường gặp hoặc những chữ Hán mà thực tập sinh cần phải nhớ. Chuẩn bị các tấm thẻ cỡ bằng tấp thiệp bưu địên, mặt trước ghi chữ Hán, mặt sau ghi cách đọc Kunyomi bằng chữ Hiragana, và cách đọc âm Onyomi bằng chữ Katakana. Chẳng hạn như “An toàn số một” thì lập 4 thẻ và mỗi thẻ viết một chữ Hán “an”, “toàn”, “số”, “một” và xếp 4 thẻ thành chữ có ý nghĩa rồi dạy thực tập sinh cách đọc. Sau đó, tráo các thẻ và yêu cầu thực tập sinh sắp xếp lại đúng thứ tự, đọc và nói ý nghĩa của các từ sắp xếp đó.
Tiếp theo, tăng dần số lượng chữ Hán lên và yêu cầu thực tập sinh luyện tập lấy các thẻ và sắp xếp thành chữ có ý nghĩa và đọc chữ đó.
Ngoài ra, dạy cho thực tập sinh sách liên hệ với các chữ Hán thường sử dụng hàng ngày chẳng hạn như chữ “安” là chữ “安” trong chữ “安い”, “安心”, hay chữ “全” là chữ “全” trong chữ “全部” chẳng hạn.
Những chữ Hán ghi trên bảng giới thiệu treo ở siêu thị, ở bệnh viện, nhãn hàng hóa cũng có thể gây hứng thú đối với thực tập sinh. Vì vậy, mỗi ngày một chút, bạn có thể giành thời gian để dạy chữ Hán cho thực tập sinh theo kiểu vừa chơi vừa học .
- (2)Người phụ trách không chỉ đưa ra chữ Hán cần học mà yêu cầu cả thực tập sinh cũng thu thập những chữ Hán mà họ hay nhìn thấy trên đường phố hoặc những chữ Hán mà họ quan tâm. Như vậy sẽ làm cho thực tập sinh quan tâm đến chữ Hán. Chẳng hạn như, khi thực tập sinh ghi lại những chữ Hán trong tên hàng hóa hoặc trong nội dung giải thích… thì bạn hãy dạy cho thực tập sinh cách viết và cách đọc đúng của chữ Hán đó. Về nghĩa thì yêu cầu thực tập sinh về tra từ điển. Nếu cứ làm theo cách này thì thực tập sinh cũng dần dần thấy lượng chữ Hán mà mình có thể đọc được ngày càng tăng và như vậy họ sẽ cảm thấy việc học chữ Hán thú vị và sẽ tự học được.
- (3)Biết cách hình thành chữ Hán
Có nhiều người trở nên thích học chữ Hán do biết cách hình thành chữ Hán.
Chẳng hạn như, nhớ ý nghĩa của chữ Hán trên cơ sở liên tưởng hình dạng chữ Hán với hình dạng vật thể thực tế. Chữ “日” có hình dạng của mặt trời, chữ “月” có hình dạng của trăng mùng ba có đám mây bay ngang qua.Nếu nhớ được hai chữ Hán này thì chữ “minh” là ghép của chữ “nhật” và “nguyệt” nên rất sáng, vì vậy mà nhớ được chữ “minh”.
Như vậy, ghép ngữ nghĩa với chữ Hán sẽ làm cho việc học chữ Hán thú vị hơn và dễ nhớ hơn. Cũng có một số tài liệu học tiếng Nhật có những nội dung như trên và có cả giải thích bằng tiếng Anh, tiếng Việt Nam, tiếng Indonesia và tiếng Thái, v.v… Có thể mua tài liệu này ở cửa hàng bán tài liệu học tiếng Nhật hoặc mua qua mạng internet.